PHAN THIẾT KÝ
Phan Thiết ký
Thứ hai, 09 Tháng 1 2012 02:24
Phan Thiết ký
Đồi cát thì nhỏ, nhưng không hiểu sao các bác nghệ sĩ tài thế, chụp hàng ngàn bức ảnh mà chả cái nào giống cái nào.
Lâu lắm rồi mới được đi "bụi". Kể ra cũng chẳng bụi lắm. Thèm đi quá, thế là khi anh bạn rủ đi phan thiet, tôi liền đồng ý luôn. Đang chủ động về thời gian, nên tối thứ năm, mấy anh em lên đường. Bạn đường với tôi có anh Bảo Long và Huỳnh Dũng, đều là các nghệ sĩ nghiếp ảnh có tiếng ở Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam. Anh Long rất rành rẽ về đồi cát phan thiet, nên anh chuẩn bị trước mọi thứ, tôi chỉ việc đi theo.
Hơn 8 giờ tối mới xuất phát, hơn 2 giờ đêm mới tới nơi. Các anh không dẫn tôi về khách sạn, mà dẫn tới một căn nhà nhỏ, trước kia có tên là PhotoHouse. Giờ bác chủ nhà đã cho thuê, và mua thêm cả héc-ta đất, để dựng lên cái PhotoHouse mới. Bác An có tuổi, có tiền, và quan trọng là có lòng đam mê nhiếp ảnh. Nhà cửa gia đình đuề huề to đẹp ở thành phố, bác không ở, lên Mũi Né ở một mình, lấy việc đón tiếp các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và nghiệp dư tới chụp ảnh đồi cát làm vui.
Ở phan thiet có hai vùng đồi cát. Đồi cát đỏ thì ở Mũi Né. Giờ không thể chụp cái mịn màng của đồi cát Mũi Né được, vì lượng khách du lich quá nhiều đã phá nát mất rồi. PhotoHouse không phải ở Mũi Né, mà ở ven đường quốc lộ, cách Mũi Né khoảng 23 km, ngay đường rẽ vào đồi cát trắng Lương Sơn. Chủ nhà đón chúng tôi với một nồi lẩu mỳ tôm sườn to tướng. Ăn qua chút, bác giục đi ngủ để 4 giờ sáng còn dậy mà chụp ảnh.
Vốn đã xem rất nhiều ảnh về đồi cát phan thiet, tôi nghĩ, đó chắc phải là một vùng cát trắng mênh mông, ít cũng phải bằng một phần mười cái sa mạc Sahara. Thật quá nhiều sai lầm. Thứ nhất, cái đồi cát này bé tẹo. Mặc dù to hơn đồi cát đỏ ở Mũi Né nhiều, nhưng đâu đó cũng chỉ có khoảng mươi ngọn đồi. Mà cũng chỉ có chừng dăm ngọn ở phía ngoài là mịn màng. Còn phía trong thì toàn cây cỏ lúp xúp, không được đẹp, khó chụp lắm. Rất ít người chụp mấy cái đồi phía trong đó. Sai lầm thứ hai là thực ra tôi có biết cái sa mạc Sahara to thế nào đâu mà đòi so sánh...
Trong các bức ảnh về đồi cát phan thiet, tôi đã từng thấy đủ cả, nào là trẻ em đùa nghịch, cắp sách tới trường, các cô gái áo dài thướt tha đội nón đi trong gió cát, nào là các bà già gồng gánh, trẻ con chăn trâu... Tôi đã nghĩ, người dân phan thiet khổ thật. Đi làm, đi học thậm chí đi chơi cũng phải đi qua cả một vùng sa mạc trắng mênh mông. Ai ngờ... Không hề có những chuyện như vậy. Đơn giản chỉ vì cái vùng đồi cát này vô cùng hoang vắng, chả có ai xuất hiện ở đây, chỉ có dân nhiếp ảnh, vợ chồng chụp ảnh cưới, có thể có các đoàn khách du lich tới thăm và ăn theo là mấy đứa trẻ con trượt cát thôi. Làm gì có trâu bò với gồng gánh. Trâu bò là thuê về. Áo dài cũng thuê. Gồng gánh cũng thế... Và chúng tôi... Chúng tôi cũng thuê một chiếc xe hai bò, mất 200 nghìn cho buổi sáng. Thuê thêm một người mẫu nông dân áo bà ba hồng rực cả ngày, mất thêm 200 nghìn nữa. Chiều lại thuê thêm mấy đứa trẻ, mất thêm 50 nghìn đồng.
Hơn 4 giờ sáng chuông reo. Mệt quá nên tới gần 5 giờ chúng tôi mới ra tới đồi cát, cách nhà bác An chừng 2, 3 km gì đó. Xe bò và người mẫu đã sẵn sàng ở chân đồi rồi. Chúng tôi hì hục leo để đón thời điểm mặt trời lên. Thực ra, lúc đó thì tôi cũng hơi tụt hứng. Vì đồi cát không hoành tráng như tôi tưởng. Các bức ảnh ngày xưa tôi được xem hóa ra đều là ảnh sắp đặt, không phải ảnh tự nhiên. Tất nhiên, tôi vẫn tham gia chụp cùng các anh. Cũng được vài bức trông hay hay, tạm tạm. Hai anh bạn thì chụp rất nhiều. Anh Dũng tới đồi cát lần thứ 2, hơn tôi một tẹo. Anh Long thì tới đây chụp ảnh 17, 18 lần rồi. Tôi học được ở anh một điều rất đáng quý, đó là sự miệt mài trong lao động. Dẫu tới đây vài chục lần rồi, mà anh vẫn chụp miệt mài, chụp say sưa, liên tục. Tôi chắc những cảnh gồng gánh, xe bò trên đồi cát này, anh có cả tấn trong kho lưu trữ, nhưng lòng nhiệt tình của anh vẫn không hề thuyên giảm. Thấy tôi lơ đãng, anh Long kêu liên tục: "Hòa, Hòa, đẹp quá, góc này đẹp quá! Chụp đi, chụp đi..." Đến trưa về, tôi và bác Dũng hỏi anh có tấm nào ưng ý không thì anh cười rất tươi bảo rằng chả được tấm nào hết, làm bọn tôi cười "gần chết". Dẫu sao, tôi cảm thấy học được ở anh nhiều điều từ lòng nhiệt tình và đam mê nhiếp ảnh ghê gớm.
Chiều, tôi chụp với các anh vài tấm, rồi bỏ đi sâu vào trong đồi cát tìm hiểu. Tôi đi đủ một vòng đồi cát trắng Lương Sơn rồi quay ra. Gọi là nhỏ so với nhiếp ảnh, nhưng đi hết đồi cát cũng mệt. Vì cát lún, đi phải dùng sức nhiều, rất vất vả. Dẫu sao, tôi cũng chụp được vài tấm hay hay để an ủi rằng đi phan thiet về không đến nỗi tay trắng...
Sau một ngày vật lộn với đồi cát trắng Lương Sơn phan thiet, tôi có thêm một nhận xét là đồi cát thì nhỏ, nhưng không hiểu sao các bác nghệ sỹ tài thế, chụp hàng ngàn bức ảnh mà chả cái nào giống cái nào. Về nói chuyện với bác An mới biết, hóa ra vùng này có hai mùa gió. Gió nói chung thổi nhiều và rất mạnh. Cứ mỗi đêm, gió lại xóa hết những dấu chân trên cát của khách du lich để sáng ra đồi cát lại mịn màng thướt tha. Và gió còn là nhà thiết kế, thay đổi đồi cát hàng tuần. Cứ mỗi một tuần đồi cát lại biến đổi gần như hoàn tòan. Tuần này có mười đỉnh, tuần sau có thể chỉ còn chín. Và đặc biệt, những đồi phía ngoài sẽ thay đổi hẳn vị trí, đường nét. Thế nên, lâu lâu mới quay lại đồi cát một lần, bạn sẽ lại được chiêm ngưỡng những khung cảnh hoàn toàn mới mẻ. Đó cũng là một đặc điểm khá quyến rũ của đồi cát trắng Lương Sơn - phan thiet.
Với nhiếp ảnh ở đồi cát phan thiet, quả là có hơi mất hứng, nhưng chuyến đi đối với tôi vẫn có thể coi là có nhiều gặt hái. Lần đầu tiên tôi trực tiếp cảm nhận được rằng các phương tiện truyền thông nghệ thuật có thể đánh lừa nhận thức của công chúng đến mức độ thế nào. Mà dẫu đồi cát trắng Lương Sơn bé nhỏ, nhưng nó vẫn có những nét quyến rũ riêng. Nếu có điều kiện, tôi vẫn sẽ quay lại đồi cát phan thiet, đặc biệt là mùa gió chướng, để ngắm cát bay... Hoặc có thể chỉ đơn giản tới chơi, nghỉ ở PhotoHouse của bác An, và thưởng thức những món ăn dân dã nhưng rất ngon do chính tay bác chuẩn bị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét